Trước đây cũng có bạn viết mail hỏi mình về sách thiết kế, cách tính toán…vv nên mình viết ra 1 trình tự để các bạn mới vào nghề tìm và học.

Vào nghề thiết kế máy(nghề nào cũng vậy thôi) này thì theo cá nhân mình việc quan trọng nhất còn hơn cả tài liệu sách vở hoặc ông thầy giỏi đó là: tinh thần tự học của chính bản thân bạn. Khi bạn muốn học bạn sẽ tìm cách tìm kiếm, đi hỏi, đi học…vv Nếu bản thân bạn còn không muốn tự tìm tòi thì kiến thức không có cách nào tìm đến bạn. xưa mình hay nói đùa là mua lấy mấy cuốn sách, đốt ra tro rồi pha với nước uống thì chỗ sách ấy ắt vào bụng bạn :))

Vậy nên Kim chỉ nam cho bạn là: Đụng đâu tìm đấy. Khi công việc của bạn cần phải tính cái gì thì hãy tìm những bài viết về nội dung đấy, đặc biệt là trừ ngôn ngữ tiếng việt ra như tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Mình thì sẵn tiếng nhật nên mình hay tìm bằng tiếng nhật, tìm mãi không thấy thì sẽ tìm bằng tiếng anh, đọc không hiểu thì nhờ google dịch, đọc vẫn không hiểu thì… đọc lại.

Đầu tiên là nói về sách thiết kế:

Mình nói một câu đơn giản thế này: Gần như không có. Lí do thì thế này: Đa phần sách viết về những thứ rất cụ thể rõ ràng ví dụ như thiết kế cam, thiết kế lò nhiệt, thiết kế ô tô… Tuy nhiên với đặc trưng ngành chế tạo máy tự động thì nó chả có cái gì cụ thể cả. Ví dụ như mình từ hồi vào công ty đến giờ thì trải qua đủ thứ như pin tiểu, pin lithium, vỏ bơm, vỏ động cơ, các linh kiện điện tử, đồ dùng y tế, thực phẩm…vvv không có 1 chuyên ngành riêng nào. Trong khi mỗi một cái sẳn phẩm đó thì lại vô số công đoạn xử lí khác nhau thư nhiệt, hàn, in, camera để đo kiểm kích thước, camera kiểm tra chất lượng, đo điện áp, cân, sấy, rửa, dập, đo nọ kia…vvv vậy nên không thể có cuốn sách nào đáp ứng được cho các bạn về tổng quan thiết kế được mà nó chỉ có thể trình bày ở một lĩnh vực nhất định cụ thể. Ngay cả cái block của mình cũng vậy, mình gặp gì thì mình kể đấy, dùng cái gì thì viết ra cái đấy, nó cũng không chuyên sâu rõ ràng được. Bạn chỉ cần học chuyên môn trong trường tốt đặc biệt các môn vật liệu, vẽ, chế tạo máy, mấy môn chuyên ngành thôi. khi đi làm rồi thì gặp gì tìm đấy để học. Nếu may mắn bạn sẽ có một đội ngũ đào tạo trong công ty, nếu không thì bạn cũng tự nên thấy may mắn vì phải tự đi tìm tòi học hỏi.

Tuy nhiên đã làm thiết kế thì việc biết về tiêu chuẩn làm bản vẽ và cách trình bày 1 bản vẽ tốt là một điều kiện bắt buộc. Vậy nên các bạn có thể đi tìm đọc sách về cách trình bày bản vẽ tiêu chuẩn. Nếu các bạn làm cho các cty Nhật thì nên đi tìm sách tiêu chuẩn JIS để đọc. Trong cty mình để ý thấy cũng có mấy cuốn khác nhau danh cho người mới bắt đầu. Mình thấy có 1 cuốn tên là “図面ってどない描くねん” trình bày để người mới bắt đầu học cảm thấy dễ hiểu. Ngoài ra mình cũng có tự mua cho mình 1 cuốn và mình cắt ra viết ở bài viết “Căn bản Về Bản vẽ theo tiêu chuẩn JIS” và ngay đầu bài viết mình cũng nói tên cuốn sách mình trích rồi. Hoặc dung sai hình học

Việc trình bày tốt một bản vẽ thì phải mất cả một quá trình học tập thật trong công việc và cần có 1 hướng dẫn tốt-Người sẽ chỉ cho bạn thế nào mới là đúng.

Tiếp theo là công cụ tính toán:

Y như câu chuyện về sách vậy: không có sách cụ thể nào. mỗi một sản phẩm khách yêu cầu thì bạn lại phải học 1 kĩ năng mới. Ngay cả mình còn chưa biết tới đây mình còn phải học gì nữa kia. vì mỗi một khách hàng có một sản phẩm riêng, mỗi một sản phẩm có vô số quy trình riêng vậy nên khi nào gặp cái gì thì mình đi tìm hiểu tính toán về nó. Rồi sau khoảng vài năm bạn sẽ có đủ một lượng kiến thức nhất định để gặp những tình huống gặp rồi thì dùng lại cái đã dùng trước đấy, hoặc tạo mới để dùng cho lần sau nếu gặp. Vậy nên cứ mỗi một dự án qua là một hay vài công cụ mới sẽ được mình tạo ra để dùng cho sau này nếu gặp. Nên các bạn hỏi mình tài liệu thiết kế hay công cụ tính toán thì mình cũng không biết nên đưa gì. Có những thứ thì mình đi mua cho tiện, có thứ thì mình tìm thấy trên mạng, có thứ thì mình thấy họ viết công thức nên mình cho ra excel để thành tài liệu của mình, có thứ thì dùng ngay một trang web nào đó, có thứ thì bên bán cung cấp sẵn công cụ.

Điển hình nhất là khi dùng servo thì tùy mỗi hãng lại có phần mềm riêng nên mình hay dùng của họ, hoặc các công cụ của smc để chọn đồ chẳng hạn, hoặc thậm chí mình sẽ gửi cho các công ty bán đồ để nhờ họ tính giúp mình. Ở Nhật được một điểm rất hay là bên bán họ hỗ trợ rất nhiệt tình trong các khoản tính toán vì nói gì thì nói họ là người bán những sản phẩm đấy nên họ biết rõ hơn mình nhiều. Tuy nhiên không phải cứ giao cho họ mà bản thân cũng phải biết tính toán để kiểm tra lại họ xem họ có làm gì không ổn không. Đôi khi do tính trách nhiệm nên họ sẽ chọn lớn lên rất nhiều, hoặc họ muốn bán được nhiều nên họ sẽ lấy loại vượt quá mức cần thiết, hoặc họ không biết biến số nào có thể thay đổi được giúp bài toán đơn giản hơn nên có thể họ sẽ chọn sai…vv

Cá nhân mình thì mỗi khi đi tìm cái gì mình đều lưu lại đặc biệt là công thức mình sẽ chuyển sang excel để tiện dùng khi cần tính toán lại hoặc dùng cho lần sau.

Phần mềm nên thông thạo:

Excel: Đây là công cụ cực kì hữu ích cho công việc, siêu rẻ, siêu thuận tiện, siêu năng lực. Thậm chí nếu biết 1 chút về lập trình trên excel(VBA) thì lại càng khủng nữa. Bản chất công việc thiết kế là tính toán tổng hợp, phân tích, trích lọc số liệu… nên việc thạo excel sẽ đem lại rất nhiều sự nhàn hạ cho bản thân. Ví dụ đơn giản nhất mình hay phải làm với excel là liên kết với phần mềm Icad để tự động tạo danh sách đồ sản xuất, đồ mua chẳng hạn. Bình thường nếu bạn cứ nhập tay từng dòng một thì một là dễ nhầm, hai là cực kì mất thời gian. vậy nên mình tìm cách để cho máy tính làm giúp mình. đưa vào thuật toán cho nó xử lí theo yêu cầu của mình, đưa ra các nguyên tắc để việc tự động hóa được nhanh hơn. Mình mất khá nhiều thời gian đắn đo xem có nên công khai cách sửa dụng tự động hóa trong công ty không vì có nhiều lí do: nếu mình cứ giữ vậy thì mình nhàn, còn ai vất kệ họ, tuy nhiên càng về sau mình thấy vậy cũng chả có gì vui, vậy nên mình dạy mấy đứa trẻ trước vì chugns nó nhanh nhậy trong việc tiếp thu, dạy chúng nó khi chúng nó chưa biêt gì sẽ nhàn hơn dạy mấy ông biết rồi vì thói quen của họ rất ít khi họ chịu từ bỏ. Vậy nên mình giới thiệu lên cty và thành người đưa ra bộ nguyên tắc trong cách sửa dụng Icad. Làm sao để mọi thứ đơn giản nhất, hiêu quả nhất, ai cũng làm được.

Mình có để ý cách làm của rất nhiều công ty khách, mỗi một công ty có một cách làm riêng, nhưng tựu chung thì họ chia ra làm hai kiểu: 1 là y hết hướng dẫn sử dụng và làm phức tạp hóa vấn đề lên tự nhiên đang tự động hóa mà thành vất vả như chưa tự động vậy. 2 là tạo ra các tool hoặc mua lại tool do các bạn Fuji tạo ra. Cách 1 là vì họ không biết cách hoặc chưa có người biết về lập trình nên họ cứ y sách hương dẫn mà làm. Cách 2 là vì họ có hiểu biết về lập trình hoặc cty nhiều tiền đầu tư tăng hiệu suất.

Phần mềm Cad nên học gì?

Mình thấy rất nhiều bạn phân vân học gì. Thực sự là phần mềm gì cũng được vì bạn không có quyên chọn phần mềm khi đi làm, hoặc bạn sẽ bị hạn chế lựa chọn nếu bạn chỉ biết 1 số phần mềm. Học cách sửa dụng phần mềm thì mình thấy là các bạn trẻ VN học rất nhanh nên mình thấy nó chẳng có gì đáng quan tâm nhiều. Cái thực sự quan trọng là cách suy nghĩ của bạn thôi. Vậy nên bạn hãy mạnh dạn xin phỏng vấn bất kì công ty nào bạn muốn làm vì thời gian để bạn học một phần mềm thực sự là chỉ mất khoảng dưới 1 tháng thôi là thành thạo. Đương nhiên là biết rõ thì vẫn tốt hơn học mới, nhưng không phải nơi nào cũng có phần mềm mà bạn dùng. cty mình làm bây giờ chẳng hạn hồi vào mình đâu biết Icad là gì, nhưng giờ mình lại là người đào tạo cách sử dụng cho mọi người hoặc các cty làm ăn cùng, tư vấn cho cty thậm chí làm cả các bản tự động liên kết với Icad.

Đa phần các phần mềm sẽ có cách tư duy vẽ từ 1 sketch rồi tiếng hành đẩy, xoay, sweep, loft..vvv để tạo hình như Solidworks, NX, Cathia, một số phân mềm thì lại tạo thẳng mà không cần sketch như Icad, hoặc chuyên 2D như Autocad. Phần mềm nào cũng có cái hay cái dở cả nên không cần phải bình luận về vấn đề dễ dùng hay không.

Thước đo năng lực

Khi bạn đi học bạn có thấy luôn có thang điểm đánh giá năng lực học tập của các bạn không?

Đi làm cũng vậy bạn cũng cần có 1 khung tiêu chuẩn riêng để biết mình đang đứng đâu và thiếu cái gì. Nếu là 1 công ty lớn, có hệ thống đào tạo tốt thì họ sẽ chỉ cho bạn 1 lộ trình học cụ thể, còn nếu không thì bạn nên tự vạch ra cho mình mục tiêu cụ thể.

Bạn có thể tham khảo một lộ trình đơn giản thế này để biết về năng lực của mình đang ở đâu(lộ trình này mình nghĩ ra thôi chứ không phải là một tiêu chuẩn nào)

Level 0: Học việc: cái này mất ít nhất cũng 3 đến 5 năm mới thạo.

Giai đoạn này bạn sẽ đi học đủ thứ:

chọn xilanh khí nén thế nào tốc độ tính ra sao, lực đẩy hút tình ra sao,

chọn sensor ra sao, vì sao lại dùng Cảm biến quang điện(光電センサー), vì sao dùng Cảm biến sợi quang(ファイバーセンサー) vì sao phải dùng cảm biến phản xạ, khi nào dùng dark on, light on. cảm biến tiệm cận(近接センサー) khi nào dùng loại NO, khi nào dùng loại NC

chọn van điện từ ra sao cho mấy cái cylinder, lưu lượng tính ra sao, các kiểu kí hiệu van điện từ, đọc bản vẽ liên quan đến khí nén ra sao.

chọn motor ra sao, tính toán lực kiểu gì, Các bài toán thông dụng khi dùng motor, tính lực quán tính, mô men, tải cho các bài toán thông dụng, khi nào dùng step, khi nào dùng servor, khi nào dùng induction

chọn timing belt, puli ra sao

chọn robot của IAI kiểu gì, tính tải ra sao, khi nào dùng elecylinder

Nhiệt tính toán ra sao, dùng cái gì….

Vẽ bản vẽ theo tiêu chuẩn ra sao, cách biểu diễn với các loại bản vẽ đặc trưng như lò xo, cam…v cách thể hiện một bản vẽ đẹp mắt, cách chọn vật liệu, cách xử lí nhiệt, xử lí bề mặt, cách thể hiện các kiểu dung sai hình học, dung sai lắp ghép, dung sai khi dùng O ring, dung sai cho pin, dung sai tương quan giữa các chi tiết trong một cụm bản vẽ lắp….

tùy theo ngành mà các bạn sẽ chuyên sâu hơn về các lĩnh vực khác nữa nhưng mấy thứ trên là những thứ điển hình phải học và tìm cách học.

Cách hay hay nhất trong level này là đi học lỏm, bắt chước các bản vẽ đã có, từ đó mới tính ngược ra để có thêm kiến thức cũng như làm quen với cách tính. Ở gia đoạn này nếu bạn có 1 support tốt thì bạn sẽ rút ngắn được thời gian học, nhưng số năm là 5 thì có vẻ sẽ mất chừng ấy tùy năng lực của bạn

Level 0 này thì oải lắm vì cái gì cũng không biết, phải đi mò mẫm, hỏi han, học hỏi, ăn chửi nhiều(vì làm bừa mà :))

Level 1: Tiệm cận với khả năng tự lập

Sau một khoảng thời gian dài học hỏi thì bạn bắt đầu bóc tách các unit đơn giản, thiết kế những thứ đơn giản theo các đàn anh, học mở rộng hơn về các kiến thức căn bản trên kia, học sâu hơn về thiết kế, bắt đầu biết cách lập kế hoạch, theo dõi tiến độ, phụ các đàn anh làm các phần việc mà khi bạn lên level 2 bạn sẽ có người phụ bạn như bạn đang ở level 1 này. làm tài liệu thuyết trình, tập thuyết trình trong công ty.

Level 2: đứng máy đảm nhiệm 1 mình

Sau khi chán chê thành thạo với mấy thứ đơn giản trên kia rồi thì bạn bắt đầu tự lập một mình 1 máy nhỏ với một chống lưng mạnh(sếp). Bạn sẽ phải tự mình lên kế hoạch sắp xếp lịch trình, tự theo dõi tiến trình, làm tài liệu & thuyết trình trước sếp và khách. Bóc tách bản vẽ, theo sát quá trình lắp ráp và xử lí các vấn đề nảy sinh khi lắp ráp(đây là lúc kinh nghiệm thu về nhiều hơn lúc nào hết). Khi bạn làm khoảng chục cái thì kinh nghiệm ắt sẽ lên nhanh, các năng lực khác(soft skill) sẽ lên nhanh.

Ngoài kiến thưc gốc ở level 0 và 1 thì bạn sẽ học sâu nữa, mở rộng nữa về cách sử dụng những thứ không điển hình như máy hút chân không, máy hút bụi, máy hàn, máy dập, robot 6 trục…. các máy có thể sử dụng trong các công đoạn của thiết bị tự động. Sau một thời gian thì bạn sẽ tự đứng một mình mà không cần chống lưng nữa.

Ở level này bạn sẽ phải trải qua nhiều máy để tăng lượng đa dạng của cơ cấu. Cứ nhắc đến 1 kiểu cơ cấu nào thì trong đầu bạn cũng có vài phương án khác nhau để chọn cho phù hợp với dự án hiện tại.

Tự đi gặp gỡ khách hàng, tự đi họp với khách một mình…vv

Level 3: Đào tạo cấp dưới

Khi làm 1 mình 1 máy thì bạn sẽ thành thạo về các kĩ năng cho công việc, tuy nhiên ở cấp độ này bạn sẽ dần làm các dự án lớn hơn và bạn không còn làm một mình được nữa, vậy nên bạn sẽ bắt đầu làm quen với việc đào tạo cho các thành viên cùng team với bạn(các bạn ở level 0 hoặc 1) Bạn đang nhìn thấy mình của mấy năm về trước. Bạn sẽ tìm cách đào tạo họ, cùng làm việc phối hợp nhịp nhàng để đẩy nhanh tiến độ, bạn sẽ học thêm về kĩ năng quản lí và đào tạo hiệu quả.

Level 4: Quản lí và cao hơn

Khác với level 3, bạn sẽ quản những người ngang bằng bạn hoặc các công ty làm ăn cùng bạn. Vẫn sẽ có nhiệm cụ của level 3 là đào tạo nhân sự cho cty, đồng thời làm công việc quản lí tiến trình của thiết bị. nó khó ở chỗ bạn đang làm việc với một công ty khác và làm việc vơi một hoặc nhiều người giỏi hơn bạn.

Khi đã đến một mức độ nhát định thì bạn bắt đầu phải biết lên dự toán cho một dự án. Dựa trên những gì khách muốn làm để lên dự toán, trình bày ý tưởng của bạn với khách để đi đến kí kết hợp đồng.

Từ level 0 đến 2 mất khá nhiều thời gian. Nhưng nếu đến level 2 rồi thì level 3 và 4 sẽ nhanh hơn rất nhiều vì bạn có kiến thức nền tốt, kinh nghiệm nhiều, cơ cấu biết nhiều…vv

hy vọng sẽ có ích gì cho các bạn mới vào nghề.